Thăm trường đại học? Ở Châu Âu, chỉ có 5 trường đại học là có lịch sử lâu đời nhất và đáng để tìm hiểu về mặt kiến trúc cũng như cuộc sống đời thường của các sinh viên: Salamanca (Tây Ban Nha), Bologna (Ý), Sorbonne (Pháp), Oxford (Anh) và cuối cùng là Coimbra của Bồ Đào Nha. Tôi may mắn thăm được 4 cái trừ Oxford của Anh.
Được thành lập vào thế kỷ XIII, trường đại học Coimbra ngay từ đầu là một trung tâm văn hóa hàng đầu của Bồ Đào Nha và thu hút rất nhiều sinh viên Châu Âu. Nhưng chính điều đó lại là vấn đề vì nhiều sinh viên quá thì không có đủ chỗ ở. Thế là trường Coimbra bị chuyển về Lisbon và tọa lạc tại thủ đô trong vòng 200 năm. Sau đó, vua Bồ Đào Nha cảm thấy nhiều sinh viên ở thủ đô quá nên… lại cho chuyển về Coimbra nhưng lần này vị vua tốt bụng ban tặng cả tòa cung điện mùa hè tại Coimbra để làm ký túc xá. Thế kỷ XVI là thời kỳ vàng son của trường đại học Coimbra nói riêng và Bồ Đào Nha nói chung khi quốc gia này trở thành cường quốc về thương mại đường biển.
Toàn bộ khuôn viên trường Coimbra nằm trọn trên một quả đồi và muốn đi lên đó thì phải qua các con phố nhỏ quấn khúc quanh co bên sườn đồi.
Cái đáng thăm nhất của trường đại học Coimbra là thư viện Joanine nổi bật với bài trí nội thất cực kỳ hoành tráng. Vật liệu nội thất được nhập từ các thuộc địa của Bồ Đào Nha vào thế kỷ 16 bao gồm: gỗ đen từ Brazil, vàng và đá cẩm thạch từ Châu Phi.
Toàn bộ bề mặt tường đều được bao phủ bởi các giá sách làm bằng gỗ sơn mài nhiều màu với kiểu bài tiết sặc sỡ mang nhiều ảnh hưởng của phương Đông (đặc biệt là Trung Quốc). Thư viện này chứa khoảng 250.000 đầu sách và được phân chia theo niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Và những lĩnh vực có nhiều đầu sách nhất là môn luật, triết học và tôn giáo học.
Tại sao người Châu Âu và đặc biệt là giới trí thức thời ấy lại chú trọng những môn học này đến vậy? Riêng về điểm này, tôi xin giải thích qua một chút vì nó có thể giúp các bạn có được những kiến thức cơ bản để hiểu rõ hơn nền văn minh Châu Âu. Vào thời Trung Cổ, dân Châu Âu còn ...ngố lắm. Tất cả những gì liên quan đến kiến thức hiểu biết đều nằm trong tay những người biết chữ và những người biết chữ thì chỉ nằm trong thiểu số (tầng lớp thượng lưu, vua chúa và tăng lữ). Và nơi truyền giáo kiến thức thì không nằm đâu khác ngoài Thiên Chúa giáo (nhà thờ, tu viện). Và cũng chính từ các trung tâm tu viện này mà khơi mào lên phong trào xây dựng các trường đại học với mục đích đầu tiên là đào tạo ra những chuyên gia nghiên cứu về các đạo luật của Thiên Chúa giáo vào thế kỷ 13 (mục đích chính là để mị dân). Các trường đại học cổ nhất Châu Âu lần lượt sinh ra vào thời điểm này (Oxford, Sorbonne, Bologna, Coimbra). Như đã nói, vào những thế kỷ đầu, môn học chính chỉ giới hạn đến việc nghiên cứu đạo. Nhưng dần dần, các môn khác được bổ sung thêm bao gồm triết học, khoa học, văn học, y học…
Chính vì có nguồn gốc tôn giáo mà hầu hết các trường đại học có niên đại vài trăm năm của Châu Âu đều có ít nhất một nhà thờ bên trong. Đó là nơi các sinh viên sùng đạo lui đến tĩnh tâm hay sám hối. Tôi đã từng đi thăm khá nhiều trường đại học Châu Âu có thâm niên hơn 200 năm và đều có điểm chung đó. Còn tại Coimbra, nhà thờ quan trọng nhất của trường đại học là thánh đường Saint Michael.
Coimbra được mệnh danh là «thành phố sinh viên» không chỉ bởi tầm quan trọng bậc nhất về giá trị lịch sử mà còn là nơi có đông sinh viên nhất Bồ Đào Nha (30% dân số là dân sinh viên). Lý do tôi cất công đến đây không phải là vì giá trị lịch sử của Coimbra mà là những nét sống rất độc đáo của sinh viên nơi đây.
Thứ nhất là phải kể đến trang phục. Khác hoàn toàn với 4 trường đại học cùng thâm niên khác (Sorbonne, Oxford, Bologna, Salamanca), toàn bộ sinh viên nơi đây đều mặc đồng phục suốt năm chứ không chỉ tập trung vào dịp tốt nghiệp. Khi tôi đi khắp khuôn viên trường, có thể nhận thấy các sinh viên ăn mặc rất lịch sự như nhân viên nhà bank.
Ai cũng thắt cà vạt, cả trai cả gái nhưng có một điểm nữa rất đặc biệt là họ mang theo một dải khăn treo đầy huy chương. Tôi có hỏi một vài sinh viên liệu có phải họ chỉ mang nó vào những sự kiện lớn của trường hay không. Câu trả lời là không. Trên thực tế, tất cả sinh viên đều có bộ trang phục này và đều mặc nó mỗi khi lên giảng đường. Tất nhiên không phải tất cả đều siêng năng lần nào cũng mặc bộ đó, giống như học sinh cấp 2 nhà mình đâu phải ai cũng chịu khó đeo khăn quàng đỏ.
Đặc thù đồng phục của Coimbra còn được nhấn mạnh hơn vào tuần lễ bế giảng của trường vào đầu tháng 5, người Bồ Đào Nha gọi là la queima das fitas. Nhân dịp này, Coimbra có một truyền thống là các sinh viên năm đầu tiên đi mua bộ đồng phục như nói ở trên tại một cửa hàng đồng phục của trường và gìn giữ bộ đồng phục đó cho đến hết năm cuối. Giá thành khá là đắt, khoảng 400 euro một bộ.
Sinh viên năm đầu thì vậy, thế còn sinh viên năm cuối thì sao? Ở Coimbra có một truyền thống là họ đốt dải dây có mầu sắc được phân theo chuyên ngành học. Dải dây này được giữ trong suốt quá trình học, giống như đồng phục và chỉ nhân dịp tốt nghiệp thì mới đốt. Tất cả dải dây được đốt trong một cái hũ khổng lồ và đây chính là nguồn gốc sâu xa của tuần lễ bế giảng. Thật vậy, la queima das fitas trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là «đốt cháy các dải dây».
Ngoài những bộ đồng phục, sinh viên Coimbra còn nổi tiếng là yêu ca nhạc. Nếu như cây đàn ghita gắn liền với đời sống sinh viên Việt Nam thì điệu hát fado là đặc sản của Coimbra. Duy chỉ có một điều khác, ghita thì chỉ cần một người biết chơi là OK. Còn fado thì phức tạp hơn, đòi hỏi phải thành lập thành một đội: một người hát dòng fado, một người chơi đàn ghita cổ điền Bồ Đào Nha (hình thù kỳ dị, giống quả lê) và người chơi accordéon.
Tại đây, mỗi khoa đều có một ban nhạc chơi fado và họ thường biểu diễn vào những dịp lớn như la queima das fitas. Họ vừa chơi vừa mặc đồng phục của trường cộng với việc đeo dải dây có màu sắc đặc trưng chuyên ngành học của họ. Dưới đây là sinh viên khoa y với dải dây màu tím.
Đặc thù cuối cùng của trường Coimbra là các ký túc xá mà dân sinh viên ở đây gọi là republicas. Nằm trong phần cổ nhất của trường đại học, các ký túc xá này có đặc điểm không phải do trường Coimbra quản lý mà là do chính hội sinh viên quản lý.
Theo truyền thống lâu đời, đây là các căn hộ lớn mang tính tư nhân. Các khu căn hộ được phân chia theo chuyên ngành học, vì thế có khu dành cho dân khoa y, khoa tin, khoa xây dựng… Mỗi một căn hộ chứa khoảng hơn 10 sinh viên và có một «thủ lĩnh» và họ phân công nhau quản lý tiền sinh hoạt của căn hộ. Nhìn từ bên ngoài vào, rất dễ nhận ra đâu là ký túc xá sinh viên bởi trên bề mặt tường có gắn các biệt hiệu đặc tính sinh viên: cờ, vẽ bậy, xoong nồi treo loạn xạ…
Thái balo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét